Sáng nay (28/11), triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, các Hiệp hội làng nghề và các đơn vị, cá nhân…tổ chức Triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam” tại TP Đà Nẵng.
Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa, giới thiệu đến đến công chúng, bạn bè quốc tế hơn 100 sản phẩm, bộ sản phẩm Sơn mài đặc sắc được Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật phối hợp tuyển chọn từ hơn 300 sản phẩm, bộ sản phẩm sơn mài của nhiều nghệ nhân, họa sĩ, cơ sở, trong cả nước.
“Đất nước ta có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời khác nhau như nghề đúc đồng, nghề nặn gốm, nghề đan mây tre, nghề sơn cổ truyền… với lịch sử phát triển huy hoàng, rực rỡ trong nhiều giai đoạn. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, các nghề thủ công truyền thống đã thành một nét đặc trưng, một bộ phận không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Riêng với sơn mài, với sự độc đáo, đặc biệt về màu sắc, chất liệu, kỹ thuật thể hiện, ngành sơn mài cần khai thác triệt để hơn nữa, lực lượng hoạt động trong nghề sơn mài có nhiều sáng tạo hơn nữa, đóng góp cho bảng màu sơn mài ngày càng phong phú, để đưa “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” ngày càng lớn mạnh góp phần vào kho tàng nghệ thuật của thế giới”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Được biết, nghề Sơn cổ truyền của Việt Nam được hình thành và phát triển từ thế kỷ XV-XVI, với kỹ thuật pha chế sơn bằng phương pháp thủ công các phường thợ, nghệ nhân xưa đã tạo ra chất liệu màu có đặc tính độc đáo, quyến rũ như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, kết hợp với son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, sử dụng chế tác ra các sản phẩm mỹ nghệ như hoành phi, câu đối, bàn kỷ, ngai thờ, tô đắp tượng phật, sơn son thếp vàng các đồ dùng, kiệu võng… Khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, nhiều thế hệ Giảng viên và Sinh viên của trường, đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu khác từ vỏ trứng, vỏ ốc, cật tre…và đặc biệt dùng kỹ thuật mài đã tạo nên nghệ thuật sơn mài độc đáo, thuật ngữ sơn mài cũng xuất hiện từ đó.
Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” tại Đà Nẵng là một hoạt động nằm trong Đề án Quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”. Nhằm đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam. Khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm trưng bày trong Triển lãm rất phong phú, đa dạng về hình thức và cách thức thể hiện. Các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, thể hiện sự tỉ mỉ, tinh xảo của sơn mài Việt Nam.
Triển lãm sản phẩm Sơn mài Việt Nam là hoạt động ý nghĩa, giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật sơn mài trong nước và nước ngoài được tiếp cận, thưởng lãm, khuyến khích phát triển nguồn lực tiếp tục phát huy sáng tạo góp phần bảo tồn, quảng bá thương hiệu, giá trị của Sơn mài Việt Nam và xây dựng nền Công nghiệp văn hóa.
Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” diễn ra từ ngày 28/11 đến hết ngày 4/12/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, 78 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Tin cùng chuyên mục:
Sâm Ngọc Linh Hạnh Tâm An – Món quà sức khỏe tin cậy cho gia đình Việt
Đón đầu tương lai công nghệ cùng cổ phiếu xe điện Tesla
Repsol – Thương vụ cổ tức đáng mong chờ trong tháng 7 này
Á khôi Kim Dung tham gia gói bảo hiểm thứ 2 tại AIA