Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 ghi danh 172 doanh nghiệp mạnh
Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, đã có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2020.
Ngày 25/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin về Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022.
Thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.
Các hồ sơ đăng ký xét chọn được đánh giá, thẩm định theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg, Thông tư số 33/2019/TT-BCT quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Thông tư số 25/2021/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2019/TT-BCT.
Để thực hiện quy trình xét chọn, Ban Thư ký đã mời tổng số 39 chuyên gia trong danh sách Ban Chuyên gia của Chương trình tham gia chấm hồ sơ (2 chuyên gia chấm 1 hồ sơ). Đồng thời, Ban Thư ký đã thuê các đơn vị chuyên ngành có uy tín đánh giá các chỉ tiêu liên quan với mỗi hồ sơ, cụ thể: Công ty Cổ phần Mibrand (là đối tác và đại diện chính thức tại Việt Nam của Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu toàn cầu có trụ sở tại Anh) thực hiện khảo sát khả năng nhận biết thương hiệu; Công ty KPMG đánh giá sức khỏe tài chính; Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) xếp hạng tín dụng.
Bên cạnh đó, Ban Thư ký đã gửi công văn xin ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành về chấp hành pháp luật chuyên ngành, cụ thể: Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, đã có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2020. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.
Đại diện Ban Tổ chức cho biết, kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022 không thể không nhắc đến sự tham gia lần đầu của một số thương hiệu có tiếng trên thị trường như: VAS Nghi Sơn; Nova Land; Bảo Việt; VNPT.
Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… của các doanh nghiệp tham gia năm nay đã làm nên sự đa dạng cho chương trình.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 được định giá 431 tỷ USD
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (74%).
Nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021.
Về thứ hạng, bất chấp những hậu quả về đại dịch COVID-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong TOP 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong TOP 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam; có mức tăng trưởng về giá trị cũng cao là 36% (mức tăng trưởng của Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%).
Những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu với sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines,…
Có thể nói, điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển thương hiệu quốc gia ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/ kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong.
Qua gần 19 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Tin cùng chuyên mục:
Sâm Ngọc Linh Hạnh Tâm An – Món quà sức khỏe tin cậy cho gia đình Việt
Đón đầu tương lai công nghệ cùng cổ phiếu xe điện Tesla
Repsol – Thương vụ cổ tức đáng mong chờ trong tháng 7 này
Á khôi Kim Dung tham gia gói bảo hiểm thứ 2 tại AIA