Trung tâm tầm soát ung thư bằng AI đầu tiên tại Việt Nam

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán, đồng thời hỗ trợ bác sĩ phát hiện 10 loại ung thư và 22 bệnh lý lối sống phổ biến

Tại sự kiện ra mắt Trung tâm tầm soát công nghệ cao NURA tích hợp AI đầu tiên tại Đông Nam Á, ngày 1-7, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm, có chi phí điều trị cao hiện nay là bệnh ung thư.

Trung tâm tầm soát ung thư bằng AI đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh 1.

Chuyên gia y tế của Việt Nam và Nhật Bản cho rằng ung thư có thể phát hiện sớm

Nguyên nhân là do người Việt chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ, tầm soát ung thư sớm. Khi thấy cơ thể ốm yếu, sụt cân bất thường, đau đớn, có u… thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu, công bố tháng 3-2024 cho thấy có hơn 120.000 người tử vong vì ung thư mỗi năm ở Việt Nam.

Các báo cáo mới nhất cũng cho thấy tình hình ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Số ca mắc mới đã tăng gần gấp 3 lần trong hai thập kỷ qua và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, từ 68.000 ca vào năm 2000 lên hơn 180.000 ca vào năm 2022. Các bệnh ung thư phổ biến đang có khuynh hướng trẻ hóa có thể kể đến như ung thư vú, ung thư đại tràng…

Ông Khoa cho biết hiện tầm soát phát hiện sớm ung thư vẫn được triển khai ở tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Với việc ứng dụng thêm công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho thầy thuốc nhằm nâng cao năng lực phát hiện sớm các tổn thương, nghi ngờ ung thư, phát hiện sớm bệnh.

Bộ Y tế cũng đã có một số hướng dẫn phát hiện sớm các bệnh ung thư. Tuy nhiên, nhờ những công nghệ có ứng dụng AI thì sẽ hỗ trợ thêm cho thầy thuốc, đặc biệt các bác sĩ ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa…

Trung tâm tầm soát ung thư bằng AI đầu tiên tại Việt Nam- Ảnh 2.

AI có thể phát hiện và chẩn đoán tổn thương dù là nhỏ nhất, khó thấy bằng mắt thường

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra hướng dẫn trong việc ứng dụng AI trong công tác chăm sóc sức khỏe. Ông Khoa kỳ vọng với hướng dẫn này, các nước sẽ tiếp tục xây dựng thể chế về pháp luật, quản lý hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Đánh giá về vai trò hỗ trợ của AI trong sàng lọc bệnh, bác sĩ Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho rằng AI được ứng dụng trong lĩnh vực y tế là một điều tất yếu.

Việc ứng dụng công nghệ AI vào trong tầm soát sớm có thể phát hiện tổn thương chỉ từ vài milimét, giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ không bỏ sót một bất thường nào, từ đó lên kế hoạch theo dõi và tư vấn tốt nhất cho người bệnh.

NURA Việt Nam được trang bị các thiết bị y tế tiên tiến bao gồm các hệ thống CT và chụp nhũ ảnh, tất cả đều được tích hợp công nghệ AI. Sự đổi mới này hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán 10 loại ung thư và 22 bệnh lý lối sống phổ biến với độ tin cậy cao. Quá trình sàng lọc toàn diện trong vòng 120 phút.